chia xa

Hiep Nguyen
4 min readJan 17, 2022

--

Từ thuở bé, nó đã là đứa hay xa nhà…hay đúng hơn là mải chơi, không thích về nhà. Nó là đứa chã mặc quần đùi áo cộc tay đi lang thang từ đầu đường tới cuối đường với đám trẻ con cùng phố, nhong nhong trên tay là món đồ chơi siêu nhân bố mới tặng. Gia đình nó kinh doanh tại gia, nghĩa là cứ bảy giờ sáng nhà dọn hàng, là bảy giờ sáng nó bắt đầu xách đống “hành lý” lỉnh kỉnh toàn siêu nhân đi chơi. Và chỉ cần đến bảy giờ mười lăm mà chưa thấy mặt, đám trẻ con hàng xóm sẽ í ới đến tận cửa: “Thằng Hiệp đâu rồi?” “Ủa sao đến giờ vẫn chưa thấy thằng Hiệp”. Đi qua giờ cơm trưa, đến giờ cơm tối thì mẹ đi tìm đến khản cả giọng…

Năm đó nó chừng 5 tuổi, không học mẫu giáo vì mải chơi, nghĩ đến buồn cười.

Năm nó 6 tuổi, mẹ nó cắp đi học trường tiểu học. Bảy giờ sáng, mẹ nó bế nó lên xe máy, mua tạm thằng bé gói xôi rồi đưa đến trường. Bố nó thương, không muốn ai tước đi niềm vui của con trai mình, bố nó gặng bảo mẹ… “Hay là cho con học ở nhà thôi…”. Bà gạt phắt đi, và chở thằng bé đi học. Tay thằng bé cầm hẳn hai gói xôi, vì hôm nay bố nó mua cho nó thêm một gói vì sợ nó đói…

Năm nó 12 tuổi, nó được đi xe đạp tới trường, và được phát tiền tiêu vặt. Bảy giờ mười lăm vào học, vẫn bảy giờ sáng, thằng bé xộc xệch leo lên xe. Túi phải của nó là ba mươi ngàn mẹ cho, còn túi trái thi thoảng là hẳn…năm mươi ngàn bố dúi thêm, vì bố bảo ba mươi ngàn “thằng chã” ăn không đủ no. Mặt bố lúc cho tiền lúc nào cũng nghiêm, cũng lạnh tanh, nhưng thằng bé thì vui đến phát khóc. Như mọi ngày, cửa hàng của nhà đã dọn hàng sáng choang. Hôm nay đi học, thằng chã có tận tám mươi ngàn…

Năm nó 16 tuổi, nó trúng tuyển vào trường năng khiếu của thành phố. Bố nó mua cho một chiếc xe máy 50cc. Như thường lệ, bảy giờ sáng, bố nó xuống lọ mọ mở cửa hàng, đẩy những kệ máy khâu cao hơn người ra bậc thềm và bắt đầu mở đèn. Nhưng lần này “thằng chã” cạy oai vì được đi xe máy, không phải bảy giờ, mà bảy giờ năm phút nó mới chịu nhảy lên xe đi học. Vẫn tác phong xộc xệch, nó phóng vụt ra khỏi cửa. Hình ảnh bố nó đứng ở bậc thềm nhà bắt đầu mờ dần…

14 năm cố gắng, năm 19 tuổi nó trúng học bổng đi tây, và chào tạm biệt gia đình.

Vẫn như mọi lần, 7 giờ sáng, nhà mở cửa, nó khệ nệ kéo 3 vali hành lý ra ngoài. Tưởng như nó đã “tập rượt” cho giây phút này trong mười bốn năm vừa rồi, với cả vài ngàn trường hợp vụt ra khỏi cửa với bóng bố nó đứng nhìn. Lần này không vội, cũng không xộc xệch, nhưng bước chân nó như hẫng mất vài bước. Nó tần ngần mất nửa phút khi đứng ở bậc thềm nhà, đằng trước là bác taxi đã đợi sẵn, nhưng đằng sau lưng là cả gia đình với ông bà, bố mẹ và anh chị mong ngóng. Bà ngoại và mẹ rưng rưng khóc, còn bố thì vẫn nghiêm mặt như lúc bố nó dúi nó năm mươi ngàn đi ăn “thịt hổ” cổng trường, nhưng chắc bố cũng nghĩ ngợi, vì trong bỗng chốc, bố cũng chẳng nói gì. Một giây nữa thôi, con trai ông sẽ chạy vụt ra khỏi cửa như một thằng nhóc 5 tuổi đi chơi với đám bạn, tay vẫn lỉnh kỉnh toàn thứ đồ linh tinh. Cứ như những lần 7 giờ sáng khác, cứ như những lần dọn hàng khác, bố vẫn sẽ đứng ở bậc thềm nhà, nhìn đến khi lưng áo con không còn trong tầm mắt

và nếu muộn một phút thôi, là cả tương lai sẽ lại gào tên thằng bé, giống như đám bạn thuở nhỏ của nó, giống như trường lớp, thầy cô gọi nó.

nhưng lần này khác, vì hoài bão đè nặng lên vai thằng bé,

lần này khác, vì bố nó không thể dúi thêm 50 ngàn như năm nó mười hai,

lần này khác, tay nó không cầm siêu nhân, hay hai gói xôi nếp như năm lên năm, lên sáu,

lần này khác,..

…vì cơm tối mẹ có gọi đến khàn giọng, nó cũng không thể về

--

--